Thursday, June 27, 2024

Khách quốc tế chi nhiều hơn ở Việt Nam

Khách Tây mua sắm ở chợ Bến Thành - Ảnh: N.B.

Khách Tây mua sắm ở chợ Bến Thành - Ảnh: N.B.

Tuy vậy, theo các công ty du lịch, nếu du lịch Việt Nam phát triển thêm nhiều dịch vụ, đặc biệt sớm có sản phẩm kinh tế đêm, kéo dài thời gian lưu trú cho khách..., chi tiêu của du khách còn tăng hơn nữa.

Chi 80 - 140 USD/ngày

Bà Trần Phương Linh, giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin (BenThanh Tourist), cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường du lịch quốc tế của doanh nghiệp này có sự tăng trưởng vượt bậc. Ước tính lượng khách và mức doanh thu du lịch quốc tế (inbound) của công ty tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Các thị trường truyền thống và thị trường mới của công ty đều có mức tăng trưởng khả quan.

Trong đó, các thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Đài Loan phát triển tốt nhất, tiếp đến là thị trường châu Âu. Đáng chú ý chi tiêu bình quân một ngày của du khách có thể dao động 80 - 140 USD/ngày, cao hơn so với trước rất nhiều.

Các loại hình du lịch được du khách yêu thích bao gồm các chương trình tour du lịch xuyên Việt, khám phá thiên nhiên, tour du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch MICE, du lịch kết hợp giáo dục và đào tạo.

"Tại TP.HCM, du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn các chương trình du lịch khám phá văn hóa, tham quan các di tích lịch sử, thưởng thức văn hóa nghệ thuật và khám phá ẩm thực địa phương, đặc biệt là các món ăn truyền thống và văn hóa cà phê Việt Nam", bà Linh cho biết.

Tại chợ Bến Thành (quận 1), điểm đến khó bỏ qua của nhiều khách Tây, các tiểu thương đã cảm nhận được sự bận rộn trong mùa cao điểm đón khách. Theo ban quản lý chợ Bến Thành, ngoài mua các loại trái cây, hạt ăn tại chỗ..., nhiều du khách mua trà, cà phê... để làm quà. Sức mua của khách quốc tế chiếm khoảng 60% doanh thu tại chợ này.

Chi tiêu của du khách còn được thể hiện qua con số hoàn thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) cho du khách đến Việt Nam. Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết chỉ tính riêng trong tháng 5-2024, khách nước ngoài đã mua gần 120 tỉ đồng hàng hóa mang theo khi xuất cảnh qua các cửa khẩu TP.HCM. Tương ứng với số thuế được hoàn hơn 8 tỉ đồng.

Lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2024, cơ quan hải quan TP.HCM đã hoàn thuế VAT cho hơn 7.200 lượt người nước ngoài mang theo hàng hóa khi xuất cảnh, trị giá hàng hóa trên 460 tỉ đồng, tương ứng với số thuế VAT được hoàn trên 40 tỉ đồng.

"Trong nhóm các du khách được hoàn thuế mua sắm, chi tiêu mạnh tay nhất khi đi du lịch Việt Nam không phải đến từ các quốc gia châu Âu, Mỹ mà nhóm du khách Ấn Độ. Nhóm khách này mua sắm khá rộng rãi và mới xuất hiện trong năm nay", đại diện Cục Hải quan TP đánh giá.

Chi cho ăn uống chiếm đến 40%

Theo các doanh nghiệp, những thay đổi tích cực của thị trường du lịch quốc tế đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể tới một vài lý do như nền kinh tế thế giới đã dần phục hồi và ổn định hơn sau dịch, các chuyến bay thẳng từ các quốc gia khác đến Việt Nam ngày càng đa dạng hơn giúp du khách thuận tiện hơn khi di chuyển và tiết kiệm được ngân sách.

Việc Việt Nam áp dụng chính sách visa mới cũng tạo nên sự hấp dẫn và gia tăng sức cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam.

Phân tích cơ cấu chi tiêu của du khách, nền tảng thanh toán Payoo ghi nhận được trong nửa đầu năm nay, tỉ lệ khách sử dụng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài qua nền tảng thanh toán Payoo tăng 2,6 lần về số lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các mảng: ăn uống, mua sắm.

Cụ thể, tỉ trọng chi tiêu của thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài cho dịch vụ ăn uống khoảng 40%, cho thời trang, mỹ phẩm 14%, cho nữ trang và đồng hồ xấp xỉ 12%, cho nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn 10%.

"Xu hướng chi tiêu của khách hàng quốc tế từ đầu năm đến nay cho thấy chi tiêu tăng dần ở nhóm siêu thị, các cửa hàng tiện lợi và nhóm nữ trang, đồng hồ trong khi giảm dần ở thời trang, mỹ phẩm và các sản phẩm công nghệ", đại diện Payoo cho biết.

Chi tiêu của du khách là một trong những chỉ số đo lường quan trọng để tính tác động đến hiệu quả của du lịch với nền kinh tế. Tuy nhiên, những thay đổi trong cách chi tiêu hiện nay của du khách cũng phản ánh được xu hướng đi du lịch.

Ông Võ Việt Hòa, giám đốc khối du lịch quốc tế Lữ hành Saigontourist, cho biết khách đông lên nhưng cơ cấu thị trường đã khác và cách đi du lịch cũng khác, vì vậy các công ty du lịch vẫn chịu cảnh "thất thu".

"Họ ít mua các gói du lịch trọn gói mà chủ yếu đặt từng phần, đa số đi dạng tự túc. Khách cũng dành cho trải nghiệm dịch vụ cao cấp hơn là mua sắm", ông Hòa chia sẻ.

Các công ty du lịch cũng cho rằng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm đa số túi tiền của du khách quốc tế là không bất ngờ vì ẩm thực Việt khá nổi tiếng. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy du lịch Việt Nam đang thiếu sản phẩm để khách chi tiêu nhiều hơn như mua sắm thời trang, hàng lưu niệm...

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 19 triệu lượt?

Theo ông Michael Kokalari - giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng hơn 300% so với cùng kỳ, đạt mức 75% trước dịch COVID-19.

Học viện Du lịch Trung Quốc dự kiến khách Trung Quốc du lịch nước ngoài sẽ vượt mức 80% so với trước dịch COVID-19 trong năm nay, vì vậy chuyên gia này kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi từ mức 30% trước dịch COVID-19 trong năm ngoái lên đến 85% trong năm nay.

Sự phục hồi một phần này là cơ sở cho dự báo để quỹ đầu tư này tin rằng tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ tăng từ mức 70% trước COVID-19 vào năm ngoái lên khoảng 105% trước COVID-19 vào năm nay, tương đương 19 triệu lượt khách.

Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia lớn trên thế giới mà du lịch ra nước ngoài vẫn chưa phục hồi về mức trước COVID-19, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về chi tiêu của người dân khi du lịch ra nước ngoài trước dịch.

Với lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi này, dự kiến du lịch sẽ đóng góp thêm hơn 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024, theo chuyên gia kinh tế.

Hấp dẫn nhờ các dòng sản phẩm cao cấp

Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết từ năm 2023 đến nay, doanh thu của du lịch TP luôn đạt mức cao kỷ lục nhờ định hình xây dựng sản phẩm về đêm cũng như cho ra nhiều dòng sản phẩm cao cấp hơn.

"Ước tính chi tiêu của du khách vào ban đêm tại TP.HCM chiếm tới 70% tổng chi tiêu khi đến TP. TP cũng đặt mục tiêu xây dựng những sản phẩm, tour du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút du khách trong nước và cả khách quốc tế trong thời gian tới", ông Hòa nói.

0 nhận xét:

Post a Comment